Bán phần vốn đang thiếu bằng việc phát hành cổ phiếu mới là một xu hướng đang khá phổ biến tại các doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa cũng như tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đang cần thêm vốn. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tích cực, xu hướng này cũng làm nảy sinh một số vấn đề cần xem xét.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, Bảo Minh là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa bằng việc “ bán cái phần vốn đang thiếu nhằm nâng vốn của doanh nghiệp lên. Đây là trường hợp chưa có tiền lệ” như phát biểu của ông Trần Vĩnh Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Tp.HCM (Bảo Minh). Cũng theo ông Đức, việc cổ phần hóa Bảo Minh là nhằm mục tiêu phát triển, nâng cao sức mạnh và khả năng cạnh tranh chứ không đơn giản là làm thế nào để bán được cổ phần.
Còn tại các doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa, Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/3/2005, về việc phê duyệt Đề án thí điểm cổ phần hóa (cổ phần hóa) TCT xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sẽ theo hình thức: giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với mục tiêu chuyển Vinaconex thành Tổng công ty cổ phần, hình thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, huy động vốn, tạo thêm động lực và có cơ chế quản lý năng động, hiệu quả, cổ phần hóa TCT này, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối. Tiếp sau đó, sẽ tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty thương mại và xây dựng (thuộc Bộ giao thông vận tải) và Tổng công ty điện tử và tin học (Bộ công nghiệp).
Mặc dù lợi ích của việc phát hành thêm cổ phiếu là điều không cần bàn cãi, nhưng không phải doanh nghiệp nào khi tiến hành cổ phần hóa đều quyết định, hoặc có đủ can đảm, lựa chọn phương án này. Trong báo cáo tình hình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Tổng công ty điện tử và tin học Việt Nam (VEIC), trước tình hình thực tế năng lực sản xuất kinh doanh của VEIC còn nhiều hạn chế như các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu linh kiện để lắp ráp trên cơ sở thiết kế của từng đơn vị thành viên, sản phẩm được tiêu thụ trong nước là chính, khả năng cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài chưa cao do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn quá yếu, v.v.
VEIC đề nghị được áp dụng hình thức cổ phần hóa bằng việc bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại Tổng công ty, chưa thực hiện được việc phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn. Điều này cho thấy việc phát hành thêm cổ phiếu của công ty là vấn đề không đơn giản bởi Hội đồng quản trị phải chứng minh được mục đích phát hành và quan trọng hơn, ai sẽ là cổ đông của công ty nếu phát hành thêm cổ phiếu.
Thiếu vốn là một thực trạng chung hiện nay tại các công ty cổ phần. Đây là hậu quả của việc phải hoàn thành bằng được cổ phần hóa các doanh nghiệp thông qua việc quy định vốn điều lệ của các công ty thấp (cho dễ bán cổ phiếu) trong giai đoạn trước đây. Do vậy, việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của công ty nhằm “mở cửa” các ngân hàng là một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các công ty cổ phần nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, với mức cổ tức dao động từ 8-12%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, khả năng thành công của việc thu hút vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu là rất nhỏ.
Ngày 16/11/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần trong đó có hình thức “ Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn áp dụng đối với những doanh nghiệp cổ phần hoá có nhu cầu tăng thêm vốn điều lệ” nhằm mở đường cho xu hướng phát hành thêm cổ phần khi tiến hành cổ phần hóa.
Tuy nhiên để làm được điều này các doanh nghiệp cần có những tính toán, kế hoạch cũng như lộ trình phù hợp trong việc quyết định chọn thời điểm, số lượng cổ phiếu phát hành, loại cổ đông sẽ nhắm tới sao cho phù hợp với chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp. Mọi sự nóng vội, chạy theo các “trào lưu”, hoặc “hội chứng số đông” sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.